Huyền tích về Ngọc trong đất

Thánh mộc, linh mộc, thần mộc hay bảo mộc… ấy là những mỹ danh mà dân trong nghề gỗ đã gán cho loại gỗ này. Nghe cách gọi đó cũng đủ biết ngọc am là loại gỗ quý hiếm đến nhường nào. Thời gian gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, cơn cuồng sốt về gỗ sưa nguôi lắng thì cơn sốt về “linh mộc ngọc am” lại bùng phát, cuốn theo nó là bao lời đồn thổi kỳ bí về loại gỗ báu vật gần như đã tuyệt chủng ở Việt Nam này…

Từ tiết lộ của “vua gỗ đất Bắc”: Mấy năm trở lại đây, phong trào “chơi” và săn lùng ngọc am bỗng nhiên nở rộ. Bởi ý nghĩ, nếu trong nhà có báu vật ngọc am thì mọi tà khí, ma quỷ sẽ bị xua đuổi, con người sẽ được an lành nên ngọc am đã bị đẩy giá khủng khiếp. Tới thời điểm hiện tại, để có một mẩu gỗ quý này, người chơi có thể phải bỏ ra tới vài trăm triệu đồng. Với những ngọc am có hình dáng đẹp, tư thế tự nhiên thì là vô giá.

Khi tìm hiểu về loại gỗ được xem như bảo vật này, tôi may mắn được tiếp xúc với ông Trần Đức Thuấn, người được dân trong nghề gỗ tôn sùng là “vua gỗ đất Bắc”. Ông Thuấn đang là Giám đốc Công ty TNHH Công thương Hưng Long, một công ty có tiếng trong lĩnh vực chế tác đồ gỗ ở Hà Nội. Tôi biết tiếng ông bởi ông có những quan niệm rất lạ về gỗ và cách chơi gỗ. Bây giờ, bất cứ ai đi qua đường Lạc Long Quân đều sững sờ khi tận mắt thấy một pho tượng “Phật cười” khổng lồ đặt ngay trước showroom đồ gỗ của công ty. Người qua đường thích thú ngắm nhìn pho tượng với đầy đủ vẻ viên mãn đó và tự hỏi, ông Thuấn kiếm đâu ra khối gỗ vĩ đại đến vậy và tại sao ông lại kỳ công chế tác pho tượng lạ lùng này. Hỏi chuyện về pho tượng Phật cười nặng đến trên 5 tấn này, ông Thuấn chỉ cười, ông nói rằng mình có triết lý sống riêng, kể ra thì cả ngày không hết. Thế nhưng, nếu “rút gọn” lại cũng chỉ vài dòng, ông muốn xây dựng cho mình, cho cộng đồng một cuộc sống viên mãn. Sự viên mãn ấy bao gồm cả sự phú quý về vật chất và thư thái về tinh thần. Biểu tượng của sự viên mãn chỉ có thể là tượng Phật cười chứ không thể là gì khác. Bởi thế, cách đây mấy năm, lang thang vào Tây Nguyên, thấy có khối gỗ to đến cả chục người ôm, ông đã nghĩ ngay đến “khát vọng viên mãn” của mình. Khối gỗ được đưa ra Hà Nội, ròng rã mấy tháng trời, ông Thuấn sát sao với tốp thợ cả chục người dày công đục đẽo, Phật cười khổng lồ đã hiện sinh ở cõi dương gian. Tâm sự, ông Thuấn bảo, ông chưa hoàn toàn viên mãn trong cuộc đời bởi còn nhiều khát vọng, nhiều đỉnh cao trong cuộc “dạo chơi với gỗ” đang chờ ông chinh phục, mỗi khi mệt mỏi, ngắm nhìn tượng Phật cười ông thấy lòng mình thanh thản xiết bao.

Gắn bó với gỗ như một duyên nợ nên chuyện trên trời dưới biển gì liên quan tới gỗ, ông Thuấn đều khá tỏ tường. Khi ông phát hiện ra sự vô giá của ngọc am cũng chính bởi niềm đam mê gỗ đến điên dại của mình. Ông đi, đi tới bất cứ đâu có những sáng kiến trong việc chế tác gỗ, đến bất cứ nơi nào người ta phát hiện ra dòng gỗ lạ. Khi bắt đầu xây dựng thương hiệu của riêng mình, muốn những “đứa con tinh thần” mà mình làm ra không chỉ “tốt gỗ” mà còn “tốt cả nước sơn”, ông đã một mình lặn lội sang Trung Quốc để học hỏi thêm kinh nghiệm của những nghệ nhân nổi tiếng trên đất này. Tại đây, ông thấy người dân vô cùng chuộng những món đồ được làm từ loại gỗ có mùi thơm ngát. Người ta nâng niu những món đồ đó như báu vật. Tìm hiểu kỹ hơn, ông được biết, ở đất này nếu có nhà lầu, xe hơi mà chưa có những món đồ được chế tác từ loại gỗ bí ẩn đó bày trong nhà thì chưa được xếp hạng là đại gia. Ông Thuấn kể, phải mất nhiều lần tỉ tê và bỏ ra một khoản tiền khá lớn, ông mới được một nghệ nhân tiết lộ bí mật và để lại cho một món đồ lưu niệm được làm từ loại cây quý hiếm đó. Theo nghệ nhân này, thì loài gỗ đó có tên là hoàng đàn rủ. Tuy nhiên, phần trân quý nhất mà người ta vẫn dùng để chế tác đồ chính là ngọc am, phần gỗ chìm trong lòng đất. Ngọc am cắt nghĩa là ngọc ở trong đất. Thế nhưng, cũng chính người nghệ nhân đó đã “tiết lộ” thêm một “hung tin” khiến ông choáng váng và đầy tiếc nuối, phần lớn ngọc am đang được dân Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng lại có nguồn gốc từ… Việt Nam.

Báu vật ngọc trong đất dùng để làm gì?

Cách đây hơn chục năm, máu lãng tích giang hồ đã đưa ông Thuấn đến một bản xa xôi tận Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Tại đây, ông đã rất ngạc nhiên khi người dân sử dụng những cục gỗ có mùi hương ngát dịu để đuổi ruồi, muỗi trong nhà. Thấy lạ, ông mua vài cục với giá rẻ như bèo. Thấy ông tốn bao công sức, tiền bạc vận chuyển về xuôi, nhiều người trong bản đó còn nghĩ ông Thuấn bị… “hâm”! Về tới Hà Nội, cũng bởi bận rộn, ông quẳng luôn mấy cục gỗ xù xì đó vào nhà kho, chỉ để lại một mẩu nhỏ trong phòng làm việc của mình. Một buổi, ngồi vô tư lự, ngắm nghía cục gỗ, hà hít cái mùi ngai ngái, thơm hăng hắc nhưng rất quyến rũ của nó, ông Thuấn ngờ ngợ. Hình như trước đây đã từng có lần ông được thưởng thức thứ nhã hương sang trọng này? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu để rồi chừng mấy phút sau, ông sực tỉnh toát mồ hôi bởi nhớ ra rằng, cục gỗ trước mặt ông chính là linh mộc ngọc am, thứ gỗ trân quý mà ông đã thấy khi sang Trung Quốc.

Khi phát hiện mấy cục gỗ mình đang sở hữu chính là báu vật ngọc am, ông Thuấn mới dốc công sức để tìm hiểu xem thực sự thì loại gỗ đó người xưa dùng để làm gì. Và, càng tìm hiểu ông càng thấy có nhiều những chuyện bất ngờ. Ngọc am thường tỏa hương ngây ngất mỗi khi có sự thay đổi nhiệt độ nên loài gỗ quý này còn được chế tác thành bồn tắm, chậu ngâm chân cho các mỹ nữ cung tần. Khi đổ nước ấm vào bồn, chậu ngọc am, lập tức các túi dầu trong các thớ gỗ sẽ mở để hương bay ra. Hương ngọc am quyện vào nước, ngấm vào thịt da nõn nà của mỹ nữ sẽ tạo thành một thứ “u hương” đặc trưng của mỹ nhân chốn hậu cung. Thứ “u hương” đặc biệt đó là gần như một “lợi khí” giúp mỹ nữ duy trì sự sủng ái của các đấng quân vương...

Ngoài những công dụng trên, theo ông Thuấn, những quý tộc xưa dùng để làm quan tài bởi đó là mái nhà vĩnh cửu cho người đi qua bên kia thế giới. Ngọc am ở trong đất đã mấy trăm năm, quan tài của hoàng thân quốc thích lại được tuyển chọn từ những cây ngọc am tốt nhất nên có thể trường tồn với thời gian. Thêm nữa, ngọc am kỵ côn trùng, bởi thế người nằm trong quan sẽ được bảo vệ, miễn nhiễm tuyệt đối với môi trường xung quanh.

“Xứ sở linh mộc” chỉ còn trong hoài niệm?

Đam mê nghề nghiệp đã khiến chúng tôi ngược lên Hoàng Su Phì để tìm lại tung tích dòng linh mộc này. Ông Hoàng Ngọc Trương, nguyên là Chủ tịch UBND thị trấn Vinh Quang trò chuyện với chúng tôi bằng giọng đầy tiếc nuối. Ông bảo, trước đây người dân quê ông không hề biết thiên nhiên ban tặng cho mình loại gỗ quý giá này. Bởi thế, từ xưa, ở các khu vực như Túng Sán, Tả Sử Choóng, Pờ Ly Ngài, Thèn Chu Phìn, Nậm Ty… có rất nhiều ngọc am. Nhưng người Trung Quốc và người Pháp đã khai thác cạn kiệt nên núi rừng Hoàng Su Phì bây giờ hầu như đã bặt vắng loại gỗ này. Trong câu chuyện với ông Giàng Seo Man, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì), chúng tôi cũng nhận được những thông tin tương tự. “Tôi còn nhớ, người Hán từng chặn cả dòng suối để tích nước, tạo lũ cục bộ gây xói mòn mà tìm ngọc am trong lòng suối. Những thứ quý nhất họ đã lấy đi rồi.”. Ông Man trầm tư nói.

Chúng tôi đã đi khắp Hoàng Su Phì, dò hỏi khắp nơi nhưng tuyệt không thấy bóng dáng của ngọc am. Có thể người dân họ giấu nhưng cũng có thể loại gỗ quý này chỉ còn là hoài niệm ở chính mảnh đất từng được cho là xứ sở của linh mộc ngọc am trên đất Việt này…

                                                                                                                                             ST Theo bài: Phước Long  

 

Bình luận

Dũng Nguyễn

Dũng Nguyễn - 08/18/2022 10:04:38

Bạn gủi hình bộ bàn ghế n xem và báo giá luôn bạn.gọc am cho mình dungnguyenthuylinh@gmail.com.

nguyen hong hai

nguyen hong hai - 09/20/2017 23:45:27

Các Bác có tâng bốc quá k đấy. thích Tôi để cho bộ bàn ghế Lũa ngọc Am khủng 1m8 x 1m6 hang nghin nam tuoi gia re beo

Viết bình luận